Thương mại Kinh tế Việt Nam thời Bắc thuộc lần thứ hai

Trên cơ sở phát triển của thủ công nghiệpnông nghiệp, thương mại cũng phát triển từng bước.

Ngoài hệ thống sông ngòi tự nhiên, hệ thống đường sá hình thành qua nhiều năm cũng góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại. Nhiều thương nhân người Hoa sang Giao châu sinh sống cũng đẩy mạnh việc buôn bán. Tại những khu trung tâm chính trị có nhiều người Hán sinh sống như Liên Lâu, Long Biên, các chợ hình thành. Có các chợ huyện, chợ quận, chợ châu.

Các thư tịch cổ Trung Quốc nói rằng các nước phương Nam và phương Tây muốn đến Trung Quốc đều phải đi theo con đường Giao Chỉ[7]. Từ thời Hán, thuyền buôn các nước Java, Myanmar, Ấn Độ, Parthia (Ba Tư), La Mã đều qua Giao Chỉ và coi đây là như một trạm dừng chân quan trọng để đến Trung Quốc. Sang thời Nam Bắc triều, thuyền các nước này và các tiểu quốc bờ biển Sumatra, Sri Lanka,… đều qua lại buôn bán với các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.

Theo ghi chép của sử sách Trung Quốc, các giao dịch giữa Giao châu và các nước bên ngoài diễn ra trong nhiều năm: với nước Thiện các năm 97, 130, 132; với xứ Java năm 132; với Ấn Độ năm 159, 161. Theo ghi chép của Hậu Hán thư, Vương quốc Parthia mua tơ lụa từ đất triều Hán bán lại cho đế quốc La Mã lãi rất cao. Triều đình La Mã muốn sai sứ giao thương với triều đình nhà Hán nhưng Parthia cố ngăn trở không cho người La Mã tiếp cận để mua hàng trực tiếp của Đại Hán. Năm 166, Hoàng đế La Mã là Marcus Aurelius sai sứ theo đường từ Nhật Nam đến dâng ngà voi, sừng tê, đồi mồi cho nhà Hán để đặt quan hệ. Đó là lần đầu tiên đế quốc La Mã thông với Trung Quốc, qua quận Nhật Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay.[8]

Việc buôn bán ở Giao Châu hầu hết do người Hoa khống chế. Các triều đại Trung Quốc cũng có chính sách đánh thuế thương mại với các tàu thuyền buôn của nước ngoài rất nặng. Sách Ngô thư nêu một trường hợp quan lại quận Giao Chỉ và quận Nhật Nam đánh thuế lấy tới hơn nửa số hàng trên thuyền buôn, do đó các thuyền buôn rất oán hận.[9]